DNews

Đường Láng ở Hà Nội có cần mở rộng gấp đôi?

Hà Mỹ

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc đầu tư cải tạo đường Láng là cần thiết để đồng bộ giao thông tuyến vành đai 2, nhưng Hà Nội nên tính toán thêm để tối ưu kinh phí giải phóng mặt bằng dự án.

Đường Láng ở Hà Nội có cần mở rộng gấp đôi?

Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (trùng với đường Láng hiện nay) thực chất đã được Hà Nội tính toán từ lâu nhằm đồng bộ toàn tuyến, nhất là sau khi đường trên cao đoạn từ Vĩnh Tuy đến Trường Chinh thông xe vào năm 2022.

Nhưng thông tin về đề xuất mở rộng đường Láng lên gấp đôi (từ 10,5m mỗi làn hiện có lên tổng 53,5m chiều rộng) mới đây vẫn khiến nhiều người bất ngờ.

Mặc dù Sở GTVT Hà Nội cho biết dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phản ứng của dư luận những ngày qua một lần nữa cho thấy thành phố cần nghiên cứu, cân nhắc thêm về dự án này trên cả 3 yếu tố: sự cần thiết, hiệu quả, mức độ tác động. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, các chuyên gia về giao thông và đô thị cũng có nhiều góc nhìn khác nhau xoay quanh dự án này. 

Tái thiết đô thị đồng bộ thay vì chỉ mở rộng đường

Theo ThS Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch quản lý giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải), đặc trưng của giao thông Hà Nội là các trục hướng tâm và vành đai. Riêng vành đai đóng vai trò rất quan trọng để kết nối các tuyến, giúp người dân lưu thông giữa các khu vực, đặc biệt giữa ngoại ô và trung tâm. 

Do vậy, ông Tuấn nêu quan điểm việc cải tạo tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, đồng bộ tuyến vành đai 2 giúp Hà Nội khai thác tuyến này một cách hiệu quả hơn và là việc Hà Nội phải làm. 

Đường Láng ở Hà Nội có cần mở rộng gấp đôi? - 1

Dọc tuyến đường Láng tồn tại hàng nghìn nhà dân, ngõ ngách nhỏ chằng chịt, cũng như hệ thống cầu cạn, cầu vượt sông Tô Lịch kết nối các tuyến đường, phố (Ảnh: Hữu Nghị).

Chuyên gia phân tích một trong số nguyên nhân đường Láng thường xuyên ùn tắc là tốc độ lưu thông của phương tiện ở hai đầu tuyến quá nhanh, do từ điểm đầu vành đai đến Ngã Tư Sở và từ Cầu Giấy đến điểm cuối vành đai đều đã hoàn thiện. Chỉ còn nút thắt ở giữa hai đầu mối này. 

"Hà Nội muốn làm đường trên cao thì bắt buộc phải mở rộng cả đường dưới thấp để lấy không gian đặt trụ cầu, các điểm lên xuống. Nhưng làm như thế nào, mở rộng ra sao thì lại là một bài toán mà thành phố thực sự phải tính", ông Tuấn nói.

Thách thức lớn nhất, theo chuyên gia, là công tác giải phóng mặt bằng (tương tự bất kỳ dự án nào). Điều này cũng thể hiện qua tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu có đến 90% là chi phí dành cho giải phóng mặt bằng. Còn lại, việc làm cầu vượt, hầm chui, hay các hạng mục mang tính kỹ thuật đều không phải vấn đề. 

Đường Láng ở Hà Nội có cần mở rộng gấp đôi? - 2

Dọc bên đường Láng chủ yếu là những hộ kinh doanh, số nhà lên tới hàng nghìn, nổi tiếng nhất là các tiệm bán sách cũ (Ảnh: Hữu Nghị).

 Theo đó, tổng mức đầu tư dự án ước tính dành hơn 16.700 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, gấp hơn 30 lần chi phí xây lắp (541 tỷ đồng). Ông Tuấn cho biết con số này không vô lý, bởi đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng hiện rất cao do quỹ đất trong các đô thị lớn có hạn. 

Nhưng chuyên gia cho biết Hà Nội có thể tận dụng chi phí này một cách hiệu quả hơn, bằng giải pháp mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng lên vài trăm mét thay vì chỉ 30m. Đồng thời, áp dụng cơ chế cho người dân tái định cư tại chỗ. 

"Bằng cách này, thay vì chỉ nghĩ đến việc mở rộng đường, thành phố có thêm cơ hội để tái thiết đô thị trở nên đồng bộ, đẹp đẽ hơn. Người dân sống sâu trong các ngõ hẻm dọc tuyến đường cũng có cơ hội được sống trong một môi trường đô thị đồng bộ, nhiều tiện ích hơn", ông Tuấn nói. 

Theo ông, nhiều quốc gia đã làm rất thành công trong việc kết hợp tái thiết đô thị với việc xây dựng các hạ tầng giao thông trọng điểm, Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi. Nhưng muốn làm được, từ phía quản lý nhà nước, quản lý đô thị phải xây dựng được các cơ chế về thu hút và sử dụng nguồn vốn, cũng như tái đầu tư và hoàn trả lại, đồng thời xem xét về cơ chế tái định cư tại chỗ cho người dân.

Mở rộng đường không phải giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc

Nêu quan điểm về dự án trên, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết trước đây khi Hà Nội chưa được mở rộng, đường Láng là đường vành đai chạy trong vùng cận biên, như một ranh giới nối giữa nội đô và ngoại ô. 

Trước năm 1980, thành phố cũng đã có nhiều lần mở rộng tuyến đường này. Nhiều phần đất trên tuyến hiện vẫn là đất "lưu không", được hiểu là phần đất trong quy hoạch để phục vụ công trình công cộng, giao thông nhưng hiện bỏ trống.

Nhưng đến nay, ông Ánh nhìn nhận tuyến đường Láng không còn mang "dáng dấp" của một vành đai, mà đã trở thành đường đô thị bởi có nhiều giao cắt với các tuyến đường quan trọng.

Từ góc nhìn này, ông nhấn mạnh quan điểm mở rộng đường đô thị không phải giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc. Nhiều quốc gia đã "đi vào vết xe đổ" này và nhận ra đây là giải pháp sai lầm khi hạ tầng cứ mãi phải chạy theo tốc độ tăng trưởng phương tiện.

Đường Láng ở Hà Nội có cần mở rộng gấp đôi? - 3

Lưu lượng phương tiện dồn về đường Láng thường xuyên tăng cao, do đây là tuyến đường có nhiều giao cắt với các trục đường chính, đặc biệt là tuyến đường xuyên tâm Lê Văn Lương (Ảnh: Hữu Nghị).

Hơn hết, vị chuyên gia lo ngại những dự án mở rộng đường trong nội đô vô hình trung khiến mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội càng trở nên xa vời. 

"Rõ ràng trong phát triển giao thông đô thị, phải tăng thị phần vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Trong khi Hà Nội đang làm ngược lại, đường càng mở rộng thì càng tắc vì tăng cơ hội tiếp cận cho đủ loại phương tiện di chuyển, phương tiện tốc độ cao, tải trọng lớn đi vào càng dễ gây ra xung đột", ông Ánh phân tích. 

Vị kiến trúc sư cũng có quan điểm mở rộng đường Láng là cần thiết, nhưng đơn vị chức năng của thành phố cần tính toán thêm phương án. Theo ông, việc thu hồi phần đất trong diện quy hoạch là buộc phải làm, nhưng không nhất thiết thu hồi xong là phải mở rộng đường. 

"Nếu bỏ ra một đồng mà thu về 10 đồng thì không vô lý, nhưng bỏ ra một "núi tiền" mà không mang lại lợi ích gì thì việc tiêu tiền là vô bổ. Thành phố có thể tính toán sau khi thu hồi đất xong, một phần nhỏ để mở rộng đường, phần còn lại làm dự án công cộng, hạ tầng như công viên, trạm logistic... sẽ hiệu quả hơn", ông Ánh nêu khuyến nghị.

Đường Láng ở Hà Nội có cần mở rộng gấp đôi? - 4

Dự án mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường màu cam) sẽ giúp hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến vành đai 2 (Đồ họa: Hà Mỹ).

Tương tự, chuyên gia Vũ Anh Tuấn nhận định bất kỳ dự án nào giúp cải thiện hệ thống giao thông, góp phần giải quyết vấn đề hiện hữu đều cần thiết. Nhưng sự cần thiết và tính hiệu quả là hai thứ khác nhau, cần được phân biệt rạch ròi. 

"Một dự án có thể cần thiết để giải quyết vấn đề ùn tắc hiện hữu, nhưng liệu nó có hiệu quả hay không thì lại cần soi chiếu dưới góc độ tác động về kinh tế, xã hội. Câu hỏi quan trọng nhất là thứ mà dự án mang lại có tương xứng, hiệu quả so với những gì chúng ta đã bỏ ra hay không?", ông Tuấn phân tích. 

Ông Tuấn nhấn mạnh việc đầu tư mở rộng đường Láng và làm vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chỉ cơ bản góp phần giải quyết cục bộ vấn đề giao thông trên tuyến, chưa thể giải quyết được bài toán giao thông tổng thể trên mạng lưới. 

Về lâu dài, chuyên gia nhắc lại Hà Nội vẫn cần tập trung đầu tư và hoàn thiện hơn vào mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng và đặc biệt quan trọng là đẩy nhanh tốc độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị (metro).

Ông Tuấn khẳng định nếu không có metro, cơ sở hạ tầng hiện hữu của thành phố không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại hiện đã quá tải và chắc chắn trong 5-10 năm tới, tình hình giao thông chỉ kém đi chứ không thể tốt lên.

"Với phương tiện cá nhân hiện hữu, hệ thống vận tải công cộng lớn của chúng ta chưa được đầu tư đúng theo quy hoạch, tính toán. Các vấn đề giao thông đô thị sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, đầu tư vào metro mới là giải pháp căn cơ và lâu dài, chứ không phải mở rộng đường", ThS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (đoạn đi trùng với đường Láng hiện có) là dự án quan trọng, phức tạp, có tác động lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. 

Đơn vị khẳng định phương án cũng như quy mô đầu tư cụ thể của dự án sẽ được đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, đánh giá, đề xuất các phương án khác nhau, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kinh tế và kỹ thuật để lựa chọn phương án tối ưu.

Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh hiện, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cũng như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được trình thẩm định. Sau khi hồ sơ được lập, trình thẩm định và phê duyệt, Sở sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về quy mô, định hướng đầu tư dự án.

Trước đó trong báo cáo gửi UBND TP về tình hình triển khai thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn, Sở GTVT Hà Nội đề cập đến dự án mở rộng tuyến vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.

Theo phương án ban đầu, thành phố ưu tiên làm đoạn dưới thấp có quy mô mặt cắt rộng 53,5m, gấp đôi đường Láng hiện tại (đang có mặt cắt mỗi chiều 10,5m), chiều dài 3,8km. Tổng mức đầu tư dự kiến 17.241 tỷ đồng. 

Trong đó, đơn vị tính toán phải dành khoảng 16.700 tỷ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng, còn lại 541 tỷ đồng là chi phí xây lắp.

Với đoạn trên cao, phương án dự kiến thiết kế đường có mặt cắt chiều rộng 19m, chiều dài 3,8km tương tự đường dưới thấp. Tổng mức đầu tư được tính toán hơn 3.800 tỷ đồng.